Ngoài việc tôi đã đạt được một số bài học về kỹ thuật hay kinh doanh, nhưng giữa những con số và dữ liệu, tôi nhận ra một khoảng trống đáng chú ý trong bức tranh của mình - đó là kỹ năng quản trị. Điều này không chỉ là một khía cạnh quan trọng mà còn là chìa khóa mở cánh cửa cho sự phát triển và ổn định trong vai trò quản lý.
Quản trị, theo tôi, không chỉ đơn thuần là việc sắp xếp và phân phối nguồn lực, mà còn ẩn chứa một bí mật quan trọng: sức mạnh thúc đẩy. Chính sức mạnh này là nguyên lý đẩy đưa mọi thứ về hướng mục tiêu cuối cùng, nhưng làm thế nào để khám phá và kích thích sức mạnh đó là một thách thức.
Câu hỏi lớn nhất của người làm quản trị là làm thế nào để thúc đẩy? Làm thế nào để tạo nên một động lực mạnh mẽ, đủ lớn để đưa cả đoàn tàu lớn chuyển động vững vàng. Vào lúc này, tôi cho rằng mình vẫn chưa thể trả lời đầy đủ câu hỏi này cho tổ chức nơi tôi đang làm việc, nhưng những gì đã trải qua và nhìn thấy trong quá khứ giúp tôi tránh được những sai lầm ở hiện tại và ô chữ thành công trong bức tranh đó sẽ dần mở ra với tôi và tổ chức của mình.
Vì hôm nay là những ngày cuối năm, tôi muốn quay lại một chút về những ngày cuối năm của hơn 5 năm trước, khi tôi đang công tác trong 1 cơ quan nhà nước (một trải nghiệm 4 năm đáng nhớ), và những dòng suy nghĩ không khỏi hiện về với những hoạt động bình bầu danh hiệu và xét thi đua hàng năm. Đó là một trải nghiệm đong đầy những cảm xúc, từ niềm tự hào đến những nỗi lo lắng. Tôi chắc chắn rằng sự ghi nhận thành tích và tôn vinh không chỉ là một phần quan trọng của môi trường làm việc tích cực mà còn là động lực mạnh mẽ để mọi người tiếp tục đóng góp.
Cảm giác hứng khởi và lo sợ xen kẽ khi tôi cùng đồng nghiệp chuẩn bị cho buổi lễ quan trọng này. Bản thân mình, như hàng ngàn người khác, đều tự hỏi liệu công bằng và minh bạch thực sự tồn tại trong quá trình bầu chọn này hay không.
Điều đầu tiên khiến tôi suy nghĩ là tính chất chủ quan trong quyết định bình chọn. Vì là bình bầu tập thể nên đó không chỉ là về thành tích và đóng góp cho chất lượng công việc mà còn liên quan đến mối quan hệ cá nhân, yêu ghét, thái độ ứng xử và lượng người mến mộ của cá nhân được bình bầu. Điều này đôi khi làm mất đi tính công bằng và tạo nên một không khí căng thẳng không mong muốn.
Tôi nhận ra rằng sự đánh giá dựa trên cảm tính có thể tạo ra sự bất ổn và không an tâm trong đội ngũ. Thậm chí, nó có thể làm mất đi sự động viên và lòng tin của những người lao động, đặt ra nghi vấn về công bằng trong sự thăng tiến nghề nghiệp.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể cải thiện hệ thống này? Tôi nghĩ rằng việc áp dụng các tiêu chí định lượng và định tính cụ thể sẽ làm cho quy trình trở nên minh bạch hơn. Điều này không chỉ giúp xác định rõ ràng những người có thành tích xuất sắc, mà còn khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh.
Một lợi ích của việc sử dụng tiêu chí định lượng và định tính chính là tạo ra một hệ thống công bằng và minh bạch, giảm thiểu rủi ro về đặc quyền và sự thiên vị cá nhân. Việc này không chỉ tăng cường lòng tin của nhân viên mà còn khuyến khích họ đặt ra mục tiêu và nỗ lực để đạt được những chỉ số đã đề ra.
Nếu không có tiêu chí định lượng và định tính cụ thể, nguy cơ xuất hiện hiệu ứng ngược là rất lớn. Những người có mối quan hệ mạnh mẽ hoặc được ưa chuộng có thể nhận được sự công nhận mặc dù không đạt được hiệu suất tương xứng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lòng tin của nhân viên mà còn gây thiệt hại cho tinh thần đội ngũ và môi trường làm việc.
Ngoài việc áp dụng các tiêu chí định lượng và định tính cụ thể, chúng ta cũng cần thực hiện đánh giá định kỳ và phản hồi xây dựng từ cấp trên. Điều này không chỉ giúp nhận biết và đánh giá kịp thời sự phát triển của cán bộ mà còn tạo cơ hội để họ hiểu rõ hơn về những điểm mạnh và yếu của mình. Đồng thời, đánh giá định kỳ có thể giảm bớt áp lực và căng thẳng cho nhân viên, khi họ có thể nhận phản hồi liên tục và điều chỉnh hành vi làm việc.
Cần lưu ý rằng tính minh bạch và công bằng không chỉ là trách nhiệm của cấp dưới mà còn là trách nhiệm của cấp trên. Các lãnh đạo cần hỗ trợ và khích lệ môi trường làm việc nơi mọi người có thể mạnh mẽ thể hiện năng lực và đóng góp của họ mà không phải lo lắng về sự thiên vị không đáng có.
Cuối cùng, chúng ta cần thực hiện quá trình thay đổi này một cách linh hoạt và liên tục đồng bộ với sự phát triển của tổ chức. Sự đổi mới không chỉ giúp cải thiện hiệu suất mà còn tạo điều kiện cho sự sáng tạo và sự nghiệp phát triển bền vững trong tương lai. ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét