Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

Phụ nữ có nên làm lập trình viên?

Lập trình viên lâu nay vẫn được mọi người áp đặt với hình ảnh 1 cậu trai trẻ, trông thư sinh với 1 cặp kính cận ngồi trước màn hình máy tính, hình ảnh đó phổ biến đến mức, ngay lúc này, mọi người có thể lên google image search với từ khóa developer thì ngay lập tức có hàng triệu cái hình minh họa, và 99% trong số đó là hình tượng của nam giới. Có thể đó chỉ là 1 hình tượng quen thuộc mà ngay chính mấy gã designer khi lên ý tuởng thiết kế đều mặc định trong vô thức như vậy. Vậy thì tại sao lại có điều đó, chẳng lẽ, phụ nữ lại không làm được lập trình viên?

Vậy để thỏa mãn bản thân, mình sẽ đi tìm câu trả lời cho 2 câu hỏi.

Câu hỏi thứ nhất: Vì sao dev chủ yếu là đàn ông ?

Dữ kiện mình đưa ra là:

  • Yếu tố lịch sử: Nếu chúng ta quay ngược lại thời gian, thì chúng ta biết rằng nguời phát minh ra máy tính cơ học đâu tiên là Charles Babbage - một nhà toán học nam, hmm... , nhưng chờ đã, đó là máy tính, còn lập trình viên đầu tiên lại chính là 1 phụ nữ, nhà toán học Ada Lovelace. Vậy yếu tố lịch sử nghiêng về phụ nữ chứ không phải là đàn ông. Yeah. tỉ số lúc này là 1-0 nghiêng về phụ nữ
  • Yếu tố nền tảng: Ai học công nghệ thông tin đều biết, nền tảng của công nghệ thông tin là toán học. Muốn trở thành một lập trình viên giỏi, điều kiện cần là bạn phải có nền tảng toán học và tư duy logic tốt, tuy nhiên nhìn lại các con số thống kê qua mọi thời đại, các nhà toán học nữ chiếm tỉ lệ rất ít so với nam, và trong môi trường giáo dục phổ thông, tỉ lệ các bạn nữ học tốt về toán thường thấp hơn các bạn nam. Yếu tố này, nam giới dành phần thắng: 1-1
  • Yếu tố về đặc thù nghề nghiệp: Thực tế, nghề lập trình viên là nghề rất áp lực, áp lực đến từ việc đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án trong một khoảng thời gian ngắn. Bởi đặc thù các dự án công nghệ là rất quan trọng tốc độ, “Run fast - Die fast” nếu thành công thì sẽ thành công nhanh, nếu thất bại cũng cần phải thất bại thật nhanh, bạn sẽ bị ép tiến độ, khái niệm “OT” là một khái niệm không thể thiếu trong các dự án công nghệ như thế. Ngoài áp lực về tiến độ và chất lượng, nghề lập trình viên còn có 1 áp lực về mặt cập nhật kiến thức mới, cập nhật công nghệ mới. Nói một cách đơn giản dường như ngày nào bạn cũng phải học, nếu bạn không muốn bị đào thải. Điều đó đòi hỏi bạn phải có sức mạnh về mặt thể chất, sức mạnh về mặt tinh thần, và bạn sẽ phải hi sinh rất nhiều thời gian cho những thứ khác như gia đình, bạn bè. Dù xã hội ngày nay đã tiến bộ hơn rất nhiều, nhưng rõ ràng phụ nữ ở rất nhiều quốc gia vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới về các mối quan hệ gia đình, xã hội. Họ vẫn phải giành thời gian nhiều hơn cho con cái, cho gia đình trong khi vẫn phải đảm đương các công việc xã hội, hoặc họ phải chịu sự phân biệt trong nghề nghiệp, bị kỳ thị, không được làm các công việc được cho là của nam giới, ở một số quốc gia theo đạo hồi, thậm chí phụ nữ còn không dược đi học. Tuy nhiên, mình cho rằng nghề nghiệp nào cũng có đặc thù riêng, Ví dụ như áp lực của nghề bác sỹ mình cho rằng còn khủng khiếp hơn nghề lập trình viên nhiều lần, nhưng thế giới vẫn đầy những nữ bác sỹ xuất sắc, tỉ lệ bác sỹ là nữ giới không chênh lệch quá nhiều so với đàn ông. Vậy ở yếu tố này, mình cho rằng mỗi bên sẽ được 1 điểm: 2-2.

Câu hỏi thứ hai: Phụ nữ có nên làm dev không?


Từ các yếu tố trên, rõ ràng, phụ nữ hoàn toàn có thể làm dev, thậm chí không hề thua kém nam giới vì họ có sự tỉ mỉ, vốn là bản năng của họ. Thực tế, trên thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng cũng đang có rất nhiều lập trình viên nữ rất giỏi. Việc chọn nghề nghiệp hay thành công với nghề nghiệp còn đến từ sự đam mê, sự quyết tâm của chính mỗi cá nhân trong 1 quá trình rất dài. Ai đủ kiên trì, trí tuệ, đam mê ắt sẽ thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét